Rong kinh: Nguyên nhân và ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao?
Bài viết có ích: 2062 lượt bình chọn
Rong kinh là một trong những triệu chứng rối loạn kinh nguyệt hay gặp phải ở nữ giới. Rong kinh thường là kết quả của tình trạng rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, hoặc là dấu hiệu cảnh báo một số căn bệnh nguy hiểm. Vậy cụ thể rong kinh là gì? Khi bị rong kinh phải làm sao? Bài viết sau sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc đó!
Rong kinh là gì?
Thông thường chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ kéo dài từ 28 tới 32 ngày. Trong đó có 3 tới 5 ngày hành kinh, khiến chị em mất khoảng 50 đến 80 ml máu.
Rong kinh là tình trạng thời gian hành kinh ở nữ với kéo dài nhiều hơn 7 ngày, và trong mỗi chu kỳ chị em mất quá 80 ml máu.
Một số biểu hiện thường thấy của tình trạng rong kinh như:
Kinh nguyệt ra nhiều
Thời gian đầu, chị em ra nhiều máu kinh tới nỗi phải thay băng vệ sinh thường xuyên. Máu kinh ra nhiều vào cả ban ngày và ban đêm.
Kinh nguyệt màu đen
Khi bị rong trong thời gian dài, máu kinh tồn đọng trong cơ thể bị oxi hóa nên trở thành màu đen, có khi bị vón thành cục.
Kinh nguyệt kéo dài
Như đã nói, rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trong nhiều ngày. Nếu lúc này chị em còn bị kèm theo chứng cường kinh thì sẽ thường xuyên thở dốc, mệt mỏi và bị thiếu máu.
Các triệu chứng khác
Ngoài các triệu chứng kể trên, người bị rong kinh còn thường xuyên bị đau bụng dưới. Họ dễ gặp phải các triệu chứng thiếu máu như chóng mặt, suy nhược, mỏi mệt, khó thở…
Rong kinh dài ngày gây ra hệ lụy gì?
Rong kinh dài ngày có thể gây ra những vấn đề sau cho chị em phụ nữ:
Khiến người bệnh bị mất máu, dẫn tới các triệu chứng thiếu máu như khó thở, mỏi mệt, suy nhược…
Tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập cơ quan sinh dục, gây viêm nhiễm. Tình trạng nặng có thể diễn tiến thành vô sinh hiếm muộn sau này.
Khiến chị em cảm thấy khó chịu, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Là dấu hiệu của những căn bệnh phụ khoa nguy hiểm như viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung, đa năng buồng trứng… Chúng có thể gây ra những biến chứng khó lường cho sức khỏe nếu không được sớm điều trị.
Nguyên nhân gây rong kinh
Tình trạng rong kinh ở nữ giới do hai nguyên nhân chính sau đây:
Do sự thay đổi của nội tiết tố: Khi nội tiết tố thay đổi, lượng hormone sinh dục nữ tăng lên, khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường. Những bé gái mới dậy thì và những phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh thường bị rong kinh do nguyên nhân này.
Mắc phải các bệnh lý buồng trứng hoặc tử cung: Ví dụ như u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư nội mạc tử cung, ung thư nguyên bào nuôi…
Bị rong kinh phải làm sao?
Khi bị rong kinh, để cảm thấy an tâm bạn nên đến cơ sở y tế kiểm tra. Khi đưa ra phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ dựa theo nguyên nhân rong kinh và kế hoạch sinh con của bạn.
Dùng thuốc điều trị
Bác sĩ thường chỉ định cho bạn dùng thuốc để giảm đau, giảm mất máu, thuốc chống viêm không steroid… Bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc progesterone, thuốc tránh thai… để điều chỉnh, điều hòa lại hàm lượng nội tiết tố trong cơ thể.
Phẫu thuật
Những tình trạng mắc bệnh polyp hoặc u xơ tử cung dẫn tới gây bệnh cần thực hiện phẫu thuật để điều trị. Một số phương pháp phẫu thuật như cắt bỏ nội mạc tử cung, thuyên tắc động mạch tử cung, giãn và nạo (D&C)…
Chế độ ăn
Việc áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn giảm triệu chứng của tình trạng rong kinh. Các bác sĩ khuyên bạn nên bổ sung thực phẩm giàu chất sắt như thịt, trứng, rau xanh, các loại hạt… để chống thiếu máu. Bạn cũng có thể sử dụng viên sắt để bổ sung máu nếu cần.
Bài viết trên đã cho bạn một cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng rong kinh ở nữ giới. Áp dụng một chế độ sống khoa học, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn ngăn ngừa, phòng tránh tình trạng này.
Tham khảo thêm:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menorrhagia/symptoms-causes/syc-20352829