Rối loạn nội tiết tố nữ nguyên nhân và cách điều trị
Bài viết có ích: 9750 lượt bình chọn
Rối loạn nội tiết tố là hiện tượng bệnh lý thường gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, có không ít chị em vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này cũng như những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe. Nhận thấy được điều này, ở bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ đến các chị em phụ nữ những kiến thức liên quan về rối loạn nội tiết tố. Từ đó có biện pháp xử trí kịp thời, đảm bảo sức khỏe.
Rối loạn nội tiết tố là gì?
Nội tiết tố là hệ thống tập hợp tất cả hormone được tiết ra từ các tuyến nội tiết của cơ thể. Những hormone này sẽ phối hợp với nhau để hoạt động trong cơ thể diễn ra theo quy luật hợp lý. Vì các tuyến nội tiết không có ống dẫn nên hormone được sản xuất ra sẽ trực tiếp đi vào máu. Một số tuyến nội tiết chính trong cơ thể gồm có tuyến yên, tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng…
Nội tiết tố nữ gồm 3 chất Estron, Estradiol và Estriol, được kí hiệu lần lượt là E1, E2, E3, là 3 dạng của hormone Estrogen. Các chất này được tiết ra từ buồng trứng, có tác dụng kiểm soát chức năng sinh sản và quá trình trao đổi chất ở cơ thể nữ giới. Estrogen là một trong những hormone quan trọng quyết định, chi phối sự phát triển những đặc điểm sinh dục nữ, giúp mang lại vẻ đẹp, sự trẻ trung và nữ tính.
Thông thường, hàm lượng nồng độ Estrogen của phụ nữ dao động từ 50 pg/ml đến 400 pg/ml. Nếu nồng độ này cao hơn hoặc thấp hơn sẽ gây ra tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ.
Rối loạn nội tiết tố có nguy hiểm không?
Nội tiết tố có chức năng quản lý hoạt động của cơ thể, Vì thế, khi nội tiết tố bị rối loạn sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như vẻ đẹp của nữ giới. Một số vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng bởi rối loạn nội tiết tố như:
Tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa
Rối loạn nội tiết tố ở nữ giới khiến cho cơ chế sản sinh nội tiết tố bị gián đoạn, cản trở. Điều này dễ dẫn tới thành âm đạo không thể tiết đủ dịch nhầy để bôi trơn và giữ ẩm cho âm đạo. Kết quả là làm ảnh hưởng tới môi trường axit của âm đạo, mất cân bằng môi trường âm đạo chính là điều kiện lý tưởng để các nấm khuẩn có hại gây bệnh viêm phụ khoa. Các bệnh phụ khoa nếu chậm trễ điều trị hay điều trị sai cách sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em.
Rối loạn kinh nguyệt
Hormone nội tiết tố Estrogen có mối quan hệ mật thiết với chu kỳ kinh nguyệt, giúp kích thích nang trứng phát triển và trứng rụng, từ đó, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Thế nên, nếu nội tiết tố bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, dễ gây ra tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, khi bạn nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình từ “đều đặn” bỗng nhiên kéo dài ra hay rút ngắn lại thì đây sẽ là một trong những dấu hiệu cơ bản chứng tỏ đang bị rối loạn nội tiết nữ.
Rối loạn kinh nguyệt cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình thụ thai thành công trở nên khó khăn hơn.
Suy giảm ham muốn tình dục
Bên cạnh chức năng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt thì nội tiết tố nữ còn có vai trò mang lại khoái cảm ở chị em phụ nữ. Vì vậy, khi hàm lượng các loại hormon này bị thay đổi, mất cân bằng sẽ dẫn đến hiện tượng suy giảm ham muốn tình dục, chị em khó “thăng hoa” trong cuộc yêu, sinh hoạt vợ chồng không còn hòa hợp như trước.
Hơn nữa, trạng thái tâm lý tiêu cực, sức khỏe suy giảm do rối loạn nội tiết cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến ham muốn tình dục của chị em.
Cao huyết áp bất thường
Nếu huyết áp của bạn cao bất thường thì hãy chú ý, dây rất có thể là do rối loạn nội tiết tố nữ gây ra. Lý giải cho điều này là do rối loạn nội tiết có khả năng tác động xấu đến tình trạng ổn định huyết áp trong cơ thể. Cụ thể, khi lượng natri trong cơ thể dư thừa sẽ làm tăng tình trạng trữ nước từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Trong khi tỷ lệ giữa natri và nước trong cơ thể của bạn ổn định là do sự cân bằng của nội tiết tố. Thế cho nên, khi cơ thể mất cân bằng nội tiết tố thì sẽ dễ bị tăng huyết áp.
Gây nám da
Tình trạng nám da ở nữ giới có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, rối loạn nội tiết tố nữ là một nguyên nhân phổ biến gây nám da cho chị em. Khi nội tiết tố nữ ổn định, nó sẽ duy trì độ đàn hồi, độ ẩm cho da, điều tiết bã nhờn, giúp chị em có làn da khỏe khoắn, mịn màng… Nhưng ngược lại khi rối loạn nội tiết thì da sẽ bị khô, sạm, xuất hiện các vết nám ngày càng đậm nét. Những vết nám này tác động gây ra những tác động không nhỏ đến thẩm mỹ và vẻ quyến rũ của chị em. Chị em dần trở nên tự ti, e ngại vì chúng.
Dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nữ
Để tránh những ảnh hưởng kể trên do rối loạn nội tiết tố, chị em cần lưu ý đến những triệu chứng của bệnh, từ đó phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm không chỉ giúp rút ngắn thời gian chữa bệnh mà còn làm tăng hiệu quả trị.
Một số dấu hiệu rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ thường gặp:
Giảm chất lượng giấc ngủ
Giấc ngủ giúp cơ thể có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng của các cơ quan được. Nếu bạn không ngủ được sâu và ngon giấc thì rất có thể là bạn đang gặp vấn đề về nội tiết tố. Bên cạnh mất ngủ, thiếu ngủ, bạn có thể còn hay bị ra mồ hôi thậm chí là lên cơn bốc hỏa vào ban đêm.
Thường xuyên bị mệt mỏi
Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất ở những trường hợp bị rối loạn nội tiết tố nữ. Mất cân bằng nội tiết tố khiến việc điều phối các hoạt động trong cơ thể bị cản trở, dẫn tới tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Mọc mụn trứng cá
Chị em phụ nữ hay bị mọc mụn trứng cá khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên nếu không phải do nguyên nhân này mà nữ giới vẫn bị mọc nhiều mụn trứng cá thì có thể là do bị rối loạn nội tiết tố nữ. Rối loạn nội tiết tố khiến cho cơ thể không thực hiện tốt chức năng thải độc qua da, dẫn tới sự hoạt động quá mức của các tuyến dầu và sự bất thường của tế bào da. Chính điều này đã gây tắc nghẽn lỗ chân lông khiến mụn nổi lên nhiều.
Tăng cân bất thường
Những người bị rối loạn nội tiết tố thường có xu hướng tăng cân dù đang trong quá trình giảm cân. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do việc thiếu hụt hoặc dư thừa một số loại hormone có thể khiến cơ thể tích trữ mỡ và phá vỡ các khối cơ, gây tăng cân không kiểm soát.
Âm đạo khô
Nồng độ Estrogen bị sụt giảm làm cản trở quá trình tiết dịch âm đạo, khiến các mô âm đạo bị khô, gây khó chịu cho nữ giới. Do đó, nếu chị em thấy “cô bé” bị khô hạn thì cũng cần nghĩ tới đến rối loạn nội tiết tố.
Đau đầu
Tình trạng đau đầu thường xảy ra trong trường hợp chị em bị căng thẳng, stress trong thời gian dài. Tuy nhiên, đau đầu còn là biểu hiện của việc lượng hormone estrogen suy giảm mạnh.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Các hormone gia tăng hay sụt giảm đều có thể ảnh hưởng tới cảm xúc và tâm trạng của chị em. Khi bị rối loạn nội tiết tố, chị em thường bị stress, lo lắng và ủ rũ.
Suy giảm trí nhớ
Một số kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, estrogen có thể gây nên những ảnh hưởng nhất định đến chất dẫn truyền thần kinh ở não. Do đó, khi nồng độ estrogen bị thấp khiến chị em dễ rơi vào trạng thái không tập trung, trí nhớ giảm.
Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố nữ
Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố chính là do sự mất cân bằng hormone nội tiết tố trong cơ thể. Các yếu tố khiến nồng độ hormone bị thay đổi là do:
- Những cột mốc đặc biệt trong cuộc đời: Những chị em đang trong giai đoạn tuổi dậy thì, mang thai, sau sinh hay giai đoạn tiền mãn kinh thường bị rối loạn nội tiết tố.
- Gặp vấn đề về tuyến nội tiết, cường giáp hoặc suy giáp: Các bệnh lý về tuyến giáp như cường giáp, suy giáp hay về tuyến nội tiết sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone nội tiết tố, dẫn tới tình trạng mất cân bằng nội tiết tố.
- Tác dụng phụ của thuốc: Chị em thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai, thuốc steroid có thể gây ra tác dụng phụ là rối loạn nội tiết tố.
- Độc tố từ sản phẩm: Thói quen ăn đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp sẽ khiến hàm lượng Estrogen trong cơ thể tăng cao, từ đó khiến nội tiết tố bị rối loạn.
- Mắc bệnh lý: Bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố. Một số bệnh lý có khả năng làm mất cân bằng nội tiết tố gồm hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng suy buồng trứng sớm, viêm tụy, khối u lành tính/ác tính ảnh hưởng đến nội tiết tố.
- Thói quen không lành mạnh: Thức khuya thường xuyên, hay bị stress căng thẳng dễ khiến nồng độ progesterone trong cơ thể giảm sút và lượng estrogen tăng cao hơn, từ đó gây rối loạn nội tiết tố.
Rối loạn nội tiết tố nữ phải làm sao?
Theo bác sĩ Tạ Thị Hồng Duyên, bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc khám và chữa bệnh phụ khoa, tư vấn và điều trị kế hoạch hóa gia đình, khuyến cáo chị em khi có những dấu hiệu rối loạn nội tiết tố cần đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị sớm nhất, bảo vệ sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe sinh sản.
Sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào từng nguyên nhân gây bệnh, tình trạng của bệnh đề từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cách trị rối loạn nội tiết tố phổ biến:
Uống thuốc chữa rối loạn nội tiết tố
Sử dụng thuốc là phương pháp chữa trị rối loạn nội tiết tố thường được bác sĩ chỉ định. Thuốc có thể ở dạng bôi hoặc dạng uống, sau khi dùng theo sự kê đơn của bác sĩ các triệu chứng của bệnh được cải thiện.
Lưu ý: Bác sĩ Duyên khuyến cáo, việc rối loạn nội tiết tố nữ uống thuộc gì, liều lượng bao nhiêu, cách dùng như nào đều phải tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Sở dĩ phải làm vậy là do mỗi loại thuốc sẽ phù hợp với từng thể trạng của bệnh. Nên cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị đúng bệnh, triệu chứng của bệnh được cải thiện nhanh chóng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc, điều này sẽ khiến bệnh không những không được chữa khỏi và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khó lường.
Sử dụng phương pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh
Bên cạnh việc tuân theo phác đồ điều trị của bệnh, chị em cũng cần phải thay đổi chế độ sinh hoạt nhằm giúp phòng tránh cũng như khiến triệu chứng của bệnh nhanh hết. Theo đó, chị em có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ dưới đây:
- Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng: Chị em cần phải tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, thực phẩm chứa nhiều omega-3 và vitamin. Song song với đó, bạn cũng có thể thăm khám và tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế về việc bổ sung các sản phẩm được chế biến từ đậu nành, cà rốt, tỏi, rau bina, rau diếp, bắp cải, bông cải xanh, chanh, đậu hũ…. .Bởi đây là những loại thực phẩm rất giàu genistein – chất khá hữu ích đối với việc cân bằng và tăng cường nội tiết tố nữ. Đồng thời cũng cần phải tránh các loại thực phẩm cay nóng, đồ ăn sẵn, đồ ăn nhanh, …
- Luôn suy nghĩ vui vẻ, lạc quan: Một thái độ sống tích cực không những tốt cho sức khỏe mà còn giảm thiểu nguy cơ rối loạn nội tiết tố. Vì thế, sau những giờ phút học tập mệt mỏi hay làm việc căng thẳng, nữ giới nên dành ra tối thiểu 30 phút mỗi ngày để nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục, tham gia các hoạt động thể dục thể thao bổ ích hoặc làm những việc mình thích.
- Ngủ đúng giấc, ngủ sâu: Một giấc ngủ chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng căng thẳng, gia tăng hiệu quả công việc, đặc biệt giúp điều hòa ổn định nội tiết tố nữ.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Những chị em có ý định sử dụng thuốc tránh thai hay các loại thuốc điều trị bệnh thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh lạm dụng. Vì những loại thuốc này có khả năng gây mất cân bằng nội tiết tố nữ
- Kiểm soát cân nặng: Chị em cũng cần phải kiểm soát cân nặng hợp lý, không nên để thừa cân hay thiếu cân vì chúng có thể làm rối loạn nội tiết tố.
Rối loạn nội tiết tố là một trong những vấn đề khá nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các bộ phận khác, đặc biệt là các tuyến nội tiết như tuyến thượng thận, tuyến giáp và các chức năng hệ sinh dục, có nguy cơ dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Chính vì vậy chị em cần nắm vững các kiến thức về rối loạn nội tiết để có thể khám và chữa trị kịp thời.